Hợp đồng

Khái niệm Hợp đồng thương mại

2020/12/14

Khi nhắc đến hợp đồng, tức là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên nhằm mục đích xác lập, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ của các bên ( theo Điều 388 BLDS).

Như đã trình bày trong phần tổng quan nói trên , hợp đồng là một hành vi pháp lý, là sự thể hiện ý chí của các bên để làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ. Hợp đồng là loại hành vi pháp lý cơ bản và thông dụng nhất. Ý chí của cá nhân đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng, khi sự thống nhất của các ý chí là thực chất và không trái pháp luật thì nó sẽ làm phát sinh các nghĩa vụ. Nghĩa vụ này ràng buộc các bên như luật pháp. Nói cách khác hiệu lực của hợp đồng là tạo lập, biến đổi hay chấm dứt một nghĩa vụ.

Trong Luật thương mại Việt Nam không có khái niệm Hợp đồng thương mại, nhưng có thể hiểu Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Các hoạt động thương mại ở đây được xác định theo LTM 2005, cụ thể tại Điều 1 LTM 2005, theo đó bao gồm : hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc Luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó áp dụng luật này.

1.1.           Đặc điểm của hợp đồng thương mại.

Hợp đồng thương mại mang những đặc điểm chung của hợp đồng nói chung, đồng thời mang những nét đặc trưng nhất định, trong đó có nổi bật 2 yếu tố cơ bản :

 –  Nội dung là các hoạt động thương mại.

 –  Được kí kết giữa các bên là thương nhân hoặc một bên là thương nhân ( được thê hiện ở yếu tố chủ thể )

  • ØVề chủ thể của hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có một bên là thương nhân. Đây là một điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại so với các loại hợp đồng dân sự.

Như vậy, chủ thể trong Hợp đồng thương mại gồm thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế đượcthành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có Đăng kí kinh doanh), cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (Điều 2 LTM 2005)

  • ØNội dung của Hợp đồng thương mại

Nội dung của hợp đồng thương mại nói riêng và hợp đồng nói chung là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của hợp đồng thương mại là nội dung của hợp đồng thương mại là hoạt động thương mại. Mỗi loại hợp đồng có những quy định nhất định về các điều khoản cơ bản. Ví dụ : Đối với hợp đồng mua bán thì điều khoản cơ bản bao gồm đối tượng và giá cả.

Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên giao kết, tuy nhiên nội dung của hợp đồng phải tuân theo những quy định của pháp luật hợp đồng nói chung, được quy định tại BLDS 2005. Loại trừ những điều khoản của pháp luật có nội dung mang tính bắt buộc, các bên có thể thỏa thuận với nhau những nội dung khác với nội dung quy định trong pháp luật. Điều 402 BLDS 2005 quy định “ Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây :

  1. 1.Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm .
  2. 2.Số lượng, chất lượng
  3. 3.Giá, phương thức thanh toán
  4. 4.Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
  5. 5.Quyền , nghĩa vụ của các bên
  6. 6.Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
  7. 7.Phạt vi phạm hợp đồng
  8. 8.Các nội dung khác”

Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng các bên có thể thỏa thuận hay không thỏa thuận tất cả các điều ghi trên. Các bên cũng có thể bổ sung thêm vào hợp đồng những điều khoản không có quy định nhưng các bên cảm thấy không cần thiết.

Ngoài ra, để làm rõ nội dung của hợp đồng, có sự bổ sung bởi phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng , nhưng nội dung của phụ lục không được trái với hợp đồng. Trường hợpphụ lục có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không cóhiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điềukhoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi

  1. 2.Nguồn của pháp luật Hợp đồng

Nguồn của pháp luật hợp đồng là các căn cứ được sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế, đơn giản hơn nguồn là nơi  chứa  những quy định  về pháp luật hợp đồng . ở Việt Nam, nguồn của pháp luật hợp đồng nói chung gồm các loại sau :

–         Các văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng 

Hai văn bản pháp luật quan trọng nhất hiện nay là BLDS và LTM, đây là luật căn bản đối với kinh doanh. Đối với mỗi loại hợp đồng ở một lĩnh vực cụ thể lại có các văn bản pháp luật chuyên ngành cụ thể. Ví dụ : các quy định về hợp đồng trong tổ chức kinh doanh có trong Luật Đầu tư 2005.

–         Các nghị quyết, hướng dẫn, tổng kết của tòa án nhân dân tối cao

Các nghị quyết, hướng dẫn, tổng kết của tòa án nhân dân tối cao và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán là một nguồn của pháp luật Hợp đồng, tương tự như án lệ

–         Thói quen và tập quán thương mại

Việc áp dụng thói quen và tập quán thương mại chỉ xảy ra khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Khi đó, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng những thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà họ đã biết hoặc buộc phải biết . Trường hợp không có luật, tiền lệ, thói quen thì áp dụng tập quán thương mại, tức là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.

CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHƯỚC

Địa chỉ trụ sở chính: Số 332 Lương Thế Vinh, Phường Hải Tân, Thành phố Hải Dương, Hải Dương

CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHƯỚC

Địa chỉ trụ sở: Tòa nhà HHB, KĐTM Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội

Hotline: 0904.223.779

Văn phòng tại Hà Nội: Phòng 408, Đơn nguyên 1, Tòa nhà F4, Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.222.55.266