TRANH TỤNG DÂN SỰ

Những công việc Luật sư sẽ giúp bạn khi xảy ra tranh chấp

2020/12/12

Hiểu theo nghĩa thông thường, tranh chấp là sự bất đồng giữa hai hay nhiều bên trong một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể. Thực tế, ít ai mong muốn được trở thành một bên của tranh chấp nào đó nhưng bởi rất nhiều nguyên nhân, tranh chấp vẫn nảy sinh và tồn tại như là một phần tất yếu của đời sống. Trong sự đa dạng của các loại hình tranh chấp có không ít trường hợp ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của bạn.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe, bạn thường tìm đến bác sĩ để điều trị hoặc tiếp nhận những lời khuyên. Và luật sư sẽ đóng vai trò là “bác sĩ” của bạn khi không may bạn trở thành một bên của một tranh chấp nào đó. Vậy luật sư có thể giúp bạn những gì?

1. Xác định các quyền và lợi ích hợp pháp

Đây không hẳn là một điều dễ dàng bởi để biết một cách chính xác quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong một tranh chấp cụ thể, bạn cần nắm vững các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, khi các bên tranh chấp không thể đạt được sự đồng thuận và vụ việc cần phải được phân xử bởi Tòa án, Trọng tài hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì các cơ quan này chỉ có thể bảo vệ hoặc mang đến cho bạn các quyền lợi hợp pháp. Không ít trường hợp, quyền lợi mà bạn cho rằng sẽ thuộc về mình chưa hẳn đã là những quyền lợi hợp pháp.

Không đánh giá đúng mức độ quyền lợi trong một vụ tranh chấp, bạn sẽ không thể lựa chọn một phương án phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Là một chuyên gia pháp lý, luật sư sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này theo cách tốt nhất.

2. Giúp bạn đạt được sự đồng thuận

Là người trong cuộc, bạn thường thiếu đi sự sáng suốt cần thiết để bình tĩnh ngồi lại với các bên liên quan tìm biện pháp tháo gỡ sự việc và thậm chí, các bên liên quan cũng vậy. Sự tham gia của luật sư không chỉ giúp bạn mà còn giúp các chủ thể khác hiểu rõ mức độ và giới hạn quyền lợi hợp pháp của mình. Bằng kỹ năng, kinh nghiệm và vị trí khách quan trong quá trình đám phán, luật sư sẽ mang đến những cơ hội thực tế để các bên tranh chấp có thể hòa giải được với nhau, chấm dứt mọi bất đồng, vướng mắc, duy trì mối quan hệ vốn có về tình cảm hay công việc.

3. Xây dựng phương án để bảo vệ quyền lợi

Trường hợp không cơ hội để đạt được sự đồng thuận với các bên tranh chấp, luật sư sẽ tư vấn và xây dựng cho bạn những cách thức hợp pháp để bạn lựa chọn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Để có quyết định cuối cùng và đúng đắn, luật sư sẽ phân tích cho bạn về từng giải pháp với các ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và bất khả thi, các vấn đề liên quan như thời gian, chi phí…

4. Lựa chọn Tòa án và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Muốn lựa chọn đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, bạn phải nắm vững quy định của pháp luật. Có những tranh chấp thậm chí có nhiều Tòa án đủ thẩm quyền can thiệp nhưng không hẳn bạn đã biết. Vấn đề đặt ra là cần phải lựa chọn một Tòa án phù hợp, vừa đúng thẩm quyền, vừa giúp bạn có thêm những thuận lợi cho tiến trình tố tụng.

Soạn thảo đơn và chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để gửi tới Tòa án luôn là một việc làm khó khăn, nhất là đối với những người không hiểu rõ luật pháp. Tòa án có thể trả lại đơn cho bạn nếu đơn khởi kiện không được trình bày đúng mẫu, không xác định chính xác địa chỉ của bên bị kiện, nội dung trình bày không rõ ràng, yêu cầu khởi kiện đưa ra không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tiếp nữa, bạn phải biết rõ các tài liệu cần phải gửi kèm theo đơn khởi kiện bởi nếu không, bạn sẽ mất không ít thời gian và tâm huyết cho việc thụ lý.

Khi có luật sư, bạn sẽ không gặp nhiều băn khoăn trong việc lựa chọn Tòa án. Tiếp nữa, luật sư cũng giúp bạn trở lên dễ dàng hơn để thiết lập một bộ hồ sơ khởi kiện hoàn chỉnh.

5. Nhận ủy quyền tham gia tố tụng

Vì nhiều lý do khiến bạn không có thời gian để tham gia vào tiến trình tố tụng kéo dài nhiều tháng. Cũng có trường hợp bạn không muốn đến Tòa để đối mặt với các bên còn lại của vụ kiện. Hoặc có thể bạn thiếu tự tin khi lần đầu “đáo tụng đình” hay bất luận nguyên nhân nào đó mà bạn không muốn trực tiếp tham gia…, khi ấy bạn có thể ủy quyền toàn bộ cho luật sư thay bạn thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ tiến trình tố tụng. Dù không trực tiếp hiện diện, bạn cũng luôn yên tâm bởi luật sư sẽ thực hiện trách nhiệm thông tin diễn biến và kết quả vụ án một cách kịp thời, đầy đủ.

6. Thu thập chứng cứ

Chứng cứ là nhân tố quyết định kết quả của vụ án. Chứng cứ là những gì có thật nhưng không phải lúc nào bạn cũng biết hoặc lưu giữ đầy đủ. Tiếp đến, chỉ những sự thật liên quan đến vụ án và đảm bảo tính hợp pháp mới được coi là chứng cứ. Nắm vững đặc tính của chứng cứ, chọn lọc và đánh giá chuẩn xác tầm quan trọng của từng chứng cứ, xác định chủ thể và địa điểm lưu giữ nguồn chứng cứ, áp dụng cách thức, biện pháp thu thập chứng cứ nào cho phù hợp…, liệu bạn có thể tự làm tất cả nếu sự am hiểu các quy định pháp luật về nội dung và hình thức của bạn còn hạn chế?

7. Tranh tụng tại Tòa án

Bên cạnh quyền tham gia tố tụng trên tư cách là người nhận ủy quyền, luật sư còn có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Xuyên suốt vụ kiện, luật sư luôn ở bên cạnh để tư vấn cho bạn, hướng dẫn bạn lập bản tự khai và cung cấp lời khai cho Tòa án; cùng với bạn tham gia hòa giải với các bên tranh chấp; hướng dẫn bạn đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết; tham gia tranh tụng tại phiên tòa, đối đáp, phản bác quan điểm do “đối phương” hoặc luật sư của “đối phương” đưa ra… Với khả năng đảm trách hàng loạt các công việc một cách chuyên nghiệp, luật sư sẽ giúp bạn trở lên “nhà nhã” hơn, yên tâm hơn và quyền, lợi ích do đó cũng được được bảo vệ tốt hơn.

8. Dự thảo đơn kháng cáo, đơn khiếu nại

Không phải mọi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án đều đúng đắn. Khi có căn cứ cho rằng phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo trình tự phúc thẩm. Trong đơn kháng cáo, bạn cần nêu rõ những lý lẽ, lập luận và chứng cứ để chứng minh vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm trên các phương diện: đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, nghĩa vụ tuân thủ của người tiến hành tố tụng đối với các trình tự, thủ tục tố tụng… Cùng với đơn kháng cáo, bạn cần gửi kèm theo các chứng cứ mà bạn mới thu thập được, chứng cứ mà Tòa án “bỏ sót” hoặc thậm chí trích dẫn một số điều luật mà bạn cho rằng bản án sơ thẩm đã có sự vi phạm. Đơn kháng cáo và tài liệu gửi kèm là bằng chứng quan trọng và đầu tiên để thuyết phục Tòa án phúc thẩm, vì vậy bạn nên tham vấn ý kiến của luật sư khi thực hiện công việc này.

Trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bạn không đồng ý vì có những điểm không đúng thực tế, trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn… khi đó bạn sẽ phải làm gì? Tuy không còn quyền kháng cáo nhưng bạn vẫn có quyền khiếu nại theo các thủ tục đặc biệt để cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới. Soạn đơn khiếu nại ra sao, gửi kèm theo đơn khiếu nại là những tài liệu nào, gửi đơn khiếu nại tới đâu …, bạn sẽ có được phương án giải quyết và câu trả lời đầy đủ khi có luật sư trợ giúp.

Với kinh nghiệm tích lũy thông qua việc trực tiếp tham gia hàng trăm vụ án, luật sư của An Phước sẽ giúp bạn thực hiện tất cả các công việc nêu trên một cách tốt nhất./.

CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHƯỚC

Địa chỉ trụ sở chính: Số 332 Lương Thế Vinh, Phường Hải Tân, Thành phố Hải Dương, Hải Dương

CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHƯỚC

Địa chỉ trụ sở: Tòa nhà HHB, KĐTM Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội

Hotline: 0904.223.779

Văn phòng tại Hà Nội: Phòng 408, Đơn nguyên 1, Tòa nhà F4, Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.222.55.266